Ký kết, hợp tác phát triển du lịch tại nhiều đại phương: Đừng chỉ trên giấy!

VHO- Thời gian qua, việc ký kết, hợp tác phát triển du lịch diễn ra ở rất nhiều nơi, nhiều khu vực, doanh nghiệp, tổ chức… trên khắp cả nước nhằm tạo ra sự gắn kết, tương hỗ với nhau, thúc đẩy du lịch phát triển.

Ký kết, hợp tác phát triển du lịch tại nhiều đại phương: Đừng chỉ trên giấy! - Anh 1

 Đừng để chỉ ký kết trên giấy tờ (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, có thể thấy nhiều nơi việc ký kết hết sức hình thức, có khi chỉ trên giấy tờ.

Ký kết hợp tác nhưng vẫn “giẫm chân” nhau

Tại Hội thảo giới thiệu sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa diễn ra tại Cần Thơ, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam đã chỉ rõ thực trạng việc ký kết hợp tác du lịch hiện nay và cho rằng: “Việc liên kết giữa các địa phương là rất cần thiết nhưng nói gì thì nói, kết quả cuối cùng phải là lượng khách và doanh thu, tăng trưởng bền vững. Vì thế, trong các ký kết phải đặt ra mục tiêu rõ ràng là tăng bao nhiêu khách, các địa phương có gửi khách cho nhau không, có những ưu tiên gì với đơn vị ký kết? Các doanh nghiệp của địa phương ký kết có được gửi khách không và thể hiện vào công việc cụ thể cho các doanh nghiệp như thế nào chứ không thể ký kết một cách hình thức được”.

Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ, Chủ tịch HHDL ĐBSCL cho biết, thời gian qua, các địa phương trong vùng và TP.HCM - trung tâm trung chuyển khách du lịch lớn nhất cả nước đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Các tỉnh, thành và các Bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động liên kết. Các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng đã ký kết với nhau và với TP.HCM các chương trình hợp tác du lịch, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và triển khai thực hiện. “Tuy nhiên, tiềm năng du lịch trong vùng còn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau dễ gây nhàm chán, phần lớn dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết chặt chẽ, mạnh ai nấy làm”, ông Trần Việt Phường nói. Việc này không khác gì vừa “bắt tay”, vừa “giẫm vào chân” nhau.

Đánh giá lại những liên kết, hợp tác du lịch giữa cụm du lịch phía đông, phía tây và vai trò trung tâm của các cụm; giữa vùng ĐBSCL và TP.HCM, các vùng miền khác trên cả nước, ông Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch HHDL ĐBSCL cho biết: Mô hình liên kết không gian du lịch đặt mục tiêu hợp tác chia sẻ thông tin, nguồn lực, hoạt động và khả năng của các thành viên trong mạng lưới các địa phương cùng làm du lịch trong khu vực ĐBSCL. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu lợi ích lẫn nhau. Liên kết không gian du lịch vùng là một công cụ hữu hiệu phát triển vùng du lịch và chuỗi giá trị sản phẩm du lịch của vùng.

Ký kết nhiều nhưng hiệu quả không như mong đợi

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2016 đến 2018 Hà Nội đã tổ chức ký kết 9 chương trình hợp tác, phát triển du lịch với 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thông qua các chương trình hợp tác, Hà Nội đã xây dựng được những sản phẩm, tour du lịch mới; tổ chức nhiều đoàn lữ hành đến khảo sát tiềm năng du lịch các tỉnh, thành; đồng thời, phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch hai chiều với phần lớn các địa phương đã tham gia chương trình ký kết… Tuy nhiên, việc liên kết vẫn chủ yếu tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến thông qua các hoạt động giới thiệu điểm đến, tổ chức các đoàn famtrip trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực, liên kết cung cấp dịch vụ du lịch… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Vì thế, hoạt động liên kết chưa tương xứng với tiềm năng.

Còn rất nhiều chương trình ký kết hợp tác khác trên cả nước như: liên kết du lịch Vùng duyên hải miền Trung; liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; liên kết phát triển du lịch vùng Việt Bắc; liên kết phát triển du lịch khu vực miền Trung- Tây Nguyên, giữa TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước… Trong đó, tiêu biểu nhất là liên kết Vùng duyên hải miền Trung, nhất là liên kết ba tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam (nơi hội tụ đầy đủ các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử đặc thù của cả nước đã có 12 năm liên kết) là có những hiệu quả tích cực, hình thành tour, tuyến cụ thể; luân phiên làm trưởng nhóm. Đây cũng được đánh giá là mẫu mô hình liên kết du lịch của cả nước. Trong năm 2018, ba tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐàNẵng, Quảng Nam đón tổng cộng 18,35 triệu lượt khách; trong đó có hơn 9 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch của cả ba địa phương khoảng 13.900 tỉ đồng.

Tại buổi ký hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng: “Giữa các địa phương cần đổi mới cách làm. Phải tiếp cận, quảng bá du lịch làm sao để du khách đến Huế là sẽ đến Ðà Nẵng, Hội An và ngược lại. Nếu chúng ta liên kết tốt thì khách du lịch không chỉ của mỗi địa phương mà đều là của chung”. Còn với khu vực miền Trung- Tây Nguyên, việc ký kết hợp tác phát triển du lịch đã hình thành sản phẩm, chương trình du lịch như: “Con đường Di sản miền Trung - Tây Nguyên”; “Đường Trường Sơn huyền thoại”; “Con đường xanh Tây Nguyên” và tour “Caraval hành lang kinh tế Đông - Tây”… Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng chia sẻ: “Tiếc là những sản phẩm, chương trình du lịch trên không phát huy được hiệu quả như mong muốn do thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình tổ chức, thực hiện”.

Công tác xây dựng sản phẩm du lịch vẫn là một trong những vướng mắc lớn nhất trong liên kết. Mỗi địa phương có những thế mạnh riêng, nhưng nhiều địa phương có những nét tương đồng, ví dụ như khu vực Tây Bắc thiên về du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa- lịch sử, du lịch mạo hiểm; khu vực miền Trung là du lịch biển- đảo; khu vực ĐBSCL là du lịch miệt vườn sông nước, sinh thái.

Bởi vậy, phải có chương trình hợp tác cụ thể mới có thể giới thiệu cho các hãng lữ hành những sản phẩm hấp dẫn nhất, đặc thù và không bị trùng lặp, chồng chéo nhau. Tuy nhiên, trong ký kết phải đặt rõ mục tiêu về lượng khách đạt được, những chính sách ưu đãi khi tham gia liên kết hợp tác… Phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp phát triển mới chứ không phải ký kết một cách hình thức, vỗ tay xong là về. 

 THUÝ HÀ

Ý kiến bạn đọc